Tổng hợp 4 bộ đề thi giữa kì 1 văn 9 2022-2023 có đáp án (Tải nhiều nhất)
Để ôn luyện và làm tốt bài thi văn trong kì thi giữa kì, thì dưới đây là 4 bộ đề thi giữa kì 1 văn 9 Trung học Cơ sở năm 2022 – 2023 mà Bamboo School đã tổng hợp được, nhằm giúp các bạn có thể hình dung được cách thức ra đề. Đồng thời, cả 4 đề đều sẽ có đáp án để các bạn có thể dựa vào đó triển khai đầy đủ hết các ý và đạt điểm cao nhất. Hi vọng với bộ đề thi này sẽ giúp các bạn học sinh của chúng ta ôn tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các bài thi sắp tới.
Đề thi giữa kì 1 văn 9 số 1
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Dưới đây là một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính:
"Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. (…) Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn".
(Trích Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục, 2012)
Câu 1 : Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? (1 điểm)
Câu 2 : Nhà vua nói “Đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy chép hai câu trong một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn THCS có nội dung tương tự và ghi rõ tên tác giả, tác phẩm. (2 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 : (2 điểm) Dựa vào nội dung câu “Đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” của phần I, em hãy trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng một bài văn ngắn (khoảng nửa trang giấy).
Câu 2 : (2 điểm) Nhận xét về kết thúc tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ có ý kiến cho rằng đây là một kết thúc có hậu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là kết thúc không có hậu. Vì sao?
Câu 3 : (3 điểm) Chép lại và phân tích 4 câu thơ đầu trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) gợi lên vẻ đẹp của mùa xuân như thế nào?
Đáp án đề thi giữa kì 1 văn 9 số 1
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1 :
- Đoạn văn trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống chí.
- Tác giả: nhóm Ngô Gia văn phái - Dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai - Hà Nộị. Hai tác giả chính: Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du.
Câu 2 :
- Nhà vua nói như vậy để khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc ta.
- Hai câu thơ có nội dung tương tự trong bài Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt):
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định tại sách trời)
II. LÀM VĂN
Câu 1 : Dựa vào nội dung câu “Đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” của phần I, em hãy trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng một bài văn ngắn (khoảng nửa trang giấy)
- Câu hỏi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Học sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau. Sau đây là một số gợi ý để tham khảo:
Việt Nam là một quốc gia nằm ven biển. Lãnh thổ bao gồm đất liền và rất nhiều hải đảo. Bên cạnh những người chiến sĩ bảo vệ chủ quyền của đất nước trên đất liền, trên không, chúng ta không thể không nghĩ tới những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.
Các anh là những người sống trong một khung cảnh có nhiều khó khăn gian khổ: sống giữa biển khơi, đầy nắng gió, thường xuyên gặp phải bão tố,…
Cuộc sống của các anh thiếu thốn phương tiện so với người dân ở đất liền: thiếu nước ngọt, thiếu sách báo,…
Xa gia đình, xa người thân nên nhiều khi phải trải qua những nỗi buồn da diết vì nhớ nhà,…
Tuy đầy gian khổ và khó khăn nhưng những điều này không làm mềm đi ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, nhất là những ngư dân trên biển cả.
Đất nước được toàn vẹn, cuộc sống vẫn phát triển bình thường, hàng ngày các em được bình yên đến trường, bữa cơm mỗi ngày không thiếu những sản phẩm của biển cả,… nhờ có một phần không nhỏ công sức và sự hy sinh thầm lặng của các anh.
Câu 2 :
+ Lí giải đó là một kết thúc có hậu thể hiện ước mơ của nhân dân, hoàn thiện nét đẹp của Vũ Nương…
+ Kết thúc không có hậu: Đó là bi kịch của hạnh phúc gia đình tan vỡ, cuối cùng Vũ Nương sống một mình ở thủy cung, không thể trở về nhân gian được nữa. Trương Sinh mãi mất vợ, sống trong ân hận, bé Đản mồ côi mẹ… Tính bi kịch tiềm ẩn trong cái lung linh kì ảo. Hạnh phúc đã tan vỡ thì không thể hàn gắn được nữa.
Câu 3 :
- 4 câu thơ đầu trong đoạn trích "Cảnh ngày Xuân" (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
- Phân tích:
Hai câu đầu nói về thời gian vừa gợi không gian. Ngày xuân trôi qua tiết trời bước sang tháng ba. Lúc này những cánh én rộn ràng bay lượn như thoi đưa trên bầu trời trong sáng thông qua nghệ thuật so sánh, ẩn dụ.
Hai câu tiếp theo là bức họa tuyệt đẹp trải rộng tới tận chân trời làm gam màu nền cho bức tranh xuân trên nền xanh non ấy điểm xuyết vài bông hoa lê trắng. Tất cả gợi lên vẻ đẹp mới mẻ tinh khôi đầy sức sống.
Đề thi giữa kì 1 văn 9 số 2
Câu 1 : (2 điểm )
Chép đúng chính tả bốn câu thơ cuối bài thơ Khi con tu hú (Tố Hữu). Nêu nội dung của đoạn thơ này.
Câu 2 : (2 điểm) Giải thích lí do lựa chọn trật tự từ in đậm trong những câu sau:
a) Nó đến trường gặp thầy giáo, nhờ thầy giảng hộ bài toán.
b) Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.
Câu 3 : (6 điểm) Thuyết minh về cây bút bi.
Đáp án đề thi giữa kì 1 văn 9 số 2
Câu 1:
- Chép đúng chính tả đoạn thơ cuối bài thơ Khi con tu hú (Tố Hữu)
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời kêu!
- Nội dung: Lòng yêu cuộc sống và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.
Câu 2: Giải thích lí do lựa chọn trật tự từ:
a) Từ in đậm "gặp", "nhờ" thể hiện thứ tự trước sau của hoạt động đang diễn ra.
b) Từ in đậm "giữ làng", "giữ nước", "giữ mái nhà tranh", "giữ đồng lúa chín" là đảm bảo sự hài hòa về mặt ngữ âm.
Câu 3: Thuyết minh về cây bút bi
* Mở bài: Giới thiệu về cây bút (một trong những đồ dùng học tập cần thiết của học sinh...)
* Thân bài:
- Lịch sử ra đời của bút bi:
Ai là người chế tạo ra cây bút bi?
Cây bút bi được sản xuất năm nào?
Cụ thể: Do nhà báo Hung-ga-ri làm việc tại Anh tên là Laszlo Biro, sản xuất năm 1938...
- Hình dáng, cấu tạo: 2 phần
Phần ruột: Gồm một ống mực nhỏ, một đầu được gắn với một viên bi có đường kính từ 0.7 đến 1mm gọi là ngòi bút, khi viết mực được in lên giấy là nhờ sự chuyển động của viên bi này (miêu tả, so sánh...)
Phần vỏ: Hình tròn, bằng nhựa...
- Phân loại: Các loại bút bi trên thị trường: bút bấm, bút đậy nắp...
- Công dụng của bút bi: dùng để viết.
- Cách bảo quản và sử dụng.
* Kết bài: Đánh giá về đối tượng với khả năng, vai trò ứng dụng của nó trong thực tế.
Đề thi giữa kì 1 văn 9 số 3
I. ĐỌC - HIỂU (7,0 điểm)
Cho đoạn văn sau:
“Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”
Câu 1 : Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Được viết bằng chữ gì? (1 điểm)
Câu 2 : Đoạn văn trên có dùng điển tích gì, nêu ý nghĩa của việc dùng các điển tích đó? (1 điểm)
Câu 3 : Nhân vật bày tỏ nỗi lòng trong đoạn văn trên là ai? Điều muốn bày tỏ là gì? (1 điểm)
Câu 4 : Bằng đoạn văn khoảng 10-12 câu, hãy phát biểu cảm nghĩ về nhân vật chính trong tác phẩm có đoạn trích trên. Gạch chân câu chủ đề của đoạn văn em trình bày. (4 điểm)
II. LÀM VĂN (3 điểm)
Trong một bài thơ có đoạn:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!
Ngột làm sao chết uất thôi
Khi con tu hú ngoài trời cứ kêu
Câu 1 : Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Viết trong hoàn cảnh nào? (1 điểm)
Câu 2 : Viết đoạn văn diễn dịch nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên? (Đoạn văn có sử dụng câu ghép chính phụ có quan hệ nguyên nhân - kết quả, xác định rõ câu ghép đó bằng cách gạch chân). (2 điểm)
Đáp án đề thi giữa kì 1 văn 9 số 3
I. ĐỌC - HIỂU (7,0 điểm)
Câu 1 :
- Đoạn văn trên trích trong văn bản: Chuyện người con gái Nam Xương (0,25đ)
- Thuộc tác phẩm: Truyền kì mạn lục (0,25đ)
- Tác giả: Nguyễn Dữ (0,25đ)
- Viết bằng chữ Hán (0,25đ)
Câu 2 :
- Dùng điển tích ngọc Mị Nương, cỏ Ngu mĩ (0,5đ)
- Ý nghĩa của việc dùng điển tích: Thể hiện sự trong sáng, thủy chung của Vũ Nương. (0,5đ)
Câu 3 :
- Nhân vật muốn bày tỏ nỗi niểm trong đoạn văn là Vũ Nương. (0,5đ)
- Muốn bày tỏ với trời đất để giải nỗi oan cho mình. (0,5đ)
Câu 4 :
- Viết đúng hình thức đoạn văn, số lượng không vượt quá hoặc ít quá 2 câu. (0,5đ)
- Nội dung (3,5đ)
Ngay từ đầu đã được giới thiệu “Tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”.
Là vợ đảm đang, biết giữ gìn khuôn phép, một lòng một dạ chung thủy với chồng (thể hiện trong những cư xử khéo léo để gia đình không lâm vào cảnh thất hòa, dù người chống có tính đa nghi; trong lời dặn dò ân tình, đằm thắm khi tiễn chồng đi lính; chung thủy chờ chồng “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”).
Là một người mẹ hiền, dâu thảo: vừa một mình nuôi dạy con thơ vừa làm tròn phận sự của một nàng dâu.
Nạn nhân của chế độ nam quyền, của cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa: cuộc hôn nhân của nàng không xuất phát từ tình yêu; phải đằng đẵng chờ chồng khi chồng đi chiến trận.
Bị chồng nghi ngờ lòng chung thủy chỉ vì lời nói ngây thơ của con trẻ (chú ý các lời thoại của Vũ Nương: cố phân trần với chồng, biện bạch cho mình mà không được, đau khổ tuyệt vọng khi bị chồng mắng nhiếc, đánh đuổi đi, bị dồn vào bước đường cùng: phải tự vẫn ở bến Hoàng Giang để bảo toàn danh dự).
Đoạn kết của truyện tuy mang màu sắc cổ tích (kết thúc có hậu) nhưng vẫn không làm mờ đi bi kịch của Vũ Nương: nàng không thể trở về dương thế sống bên cạnh chồng con được nữa.
II. LÀM VĂN (3 điểm)
Câu 1 :
- Tác phẩm: Khi con Tu hú (0,25đ)
- Của tác giả Tố Hữu (0,25đ)
- Hoàn cảnh ra đời: Viết khi tác giả đang bị nhốt trong nhà lao phủ Thừa Thiên. (0,5đ)
Câu 2 :
- Viết đúng hình thức đoạn văn(0,5đ)
- Nội dung cảm nhận được tâm trạng bức bối của người chiến sĩ trong tù ngục và dùng 1 câu ghép chính phụ có quan hệ nguyên nhân - kết quả, có xác định bằng cách gạch chân (2đ)
Đề thi giữa kì 1 văn 9 số 4
I. ĐỌC - HIỂU (4,0 điểm)
Dưới đây là một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính:
“Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị.(…) Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn.”
(Trích Ngữ văn 9, tập một – NXB Giáo dục, 2012)
Câu 1 : Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
Câu 2 : Nhà vua nói “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy chép 2 câu trong bài thơ “Sông núi nước Nam” có nội dung tương tự.
Câu 3 : Từ đoạn trích trên, với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.
II. LÀM VĂN (6 điểm)
Cho câu thơ sau:
"Kiều càng sắc sảo mặn mà"
Câu 1 : Hãy chép chính xác những câu thơ tiếp theo miêu tả sắc đẹp của Thúy Kiều.
Câu 2 : Em hiểu như thế nào về những hình tượng nghệ thuật ước lệ “thu thủy”, “xuân sơn” ? Cách nói “Làn thu thủy nét xuân sơn” dùng nghệ thuật ẩn dụ hay hoán dụ? Giải thích rõ vì sao em chọn nghệ thuật ấy?
Câu 3 : Từ câu chủ đề sau: “Khác với Thúy Vân, Thúy Kiều có vẻ đẹp mặn mà cả tài lẫn sắc”.
Hãy viết nối tiếp khoảng 10 câu văn để hoàn thành một đoạn văn theo cách diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp. Chỉ ra và phân tích cấu tạo một câu ghép đã sử dụng trong đoạn văn.
Đáp án đề thi giữa kì 1 văn 9 số 4
I. ĐỌC - HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1 : (1 điểm)
- Đoạn văn trên trích trong tác phẩm “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”. (0,5đ)
- Tác giả là nhóm Ngô Gia Văn Phái, gồm có Ngô Thì Chí (1758-1788) và Ngô Thì Du (1772-1840). (0,5đ)
Câu 2 : (1 điểm)
- Lời nói của nhà vua “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định chủ quyền của đất nước và kín đáo bày tỏ niềm tự hào về chủ quyền đất nước và sự bình đẳng giữa phương Bắc với phương Nam. (0,5đ)
- Trong bài thơ Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt có hai câu mang nội dung tương tự:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
(Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư) (0,5đ)
Câu 3 : Viết đoạn văn (2 điểm)
*Về hình thức (0,5 điểm):
Đoạn văn có liên kết, mạch lạc.
Có độ dài khoảng nửa trang giấy thi
*Về nội dung (1,5 điểm):
Học sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau. Và đây là một số gợi ý để tham khảo :
Việt Nam là một quốc gia nằm ven biển. Lãnh thổ bao gồm đất liền và rất nhiều hải đảo. Bên cạnh những người chiến sĩ bảo vệ chủ quyền của đất nước trên đất liền, trên không, chúng ta không thể không nghĩ tới những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.
Các anh là những người sống trong một khung cảnh có nhiều khó khăn gian khổ: sống giữa biển khơi, đầy nắng gió, thường xuyên gặp phải bão tố.
Cuộc sống của các anh thiếu thốn phương tiện so với người dân ở đất liền: thiếu nước ngọt, thiếu sách báo,…
Xa gia đình, xa người thân nên nhiều khi phải trải qua những nỗi buồn da diết vì nhớ nhà,… - Tuy đầy gian khổ và khó khăn nhưng những điều này không làm mềm đi ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, nhất là những ngư dân trên biển cả.
Đất nước được toàn vẹn, cuộc sống vẫn phát triển bình thường, hàng ngày các em được bình yên đến trường, bữa cơm mỗi ngày không thiếu những sản phẩm của biển cả,… nhờ có một phần không nhỏ công sức và sự hy sinh thầm lặng của các anh.
Hình ảnh của các anh chiến sĩ ngoài biển đảo là những hình ảnh hào hùng ẩn chứa vẻ đẹp của sự hy sinh vì nghĩa lớn.
II. LÀM VĂN (6 điểm)
Câu 1 : Chép chính xác: (0.5điểm)
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Câu 2 : (2 điểm)
+ Giải thích
- Thu thủy : là nước mùa thu (0,25đ)
- Xuân sơn : là núi mùa xuân (0,25đ)
- Làn thu thủy nét xuân sơn : mắt đẹp, trong sang như nước mùa thu, long mày đẹp, thanh thoát như nét núi mùa xuân. (0,5đ)
+ Cách nói “Làn thu thủy nét xuân sơn” dùng nghệ thuật ẩn dụ.(0,5đ)
- “Làn thu thủy nét xuân sơn” dùng nghệ thuật ẩn dụ. Vì thông qua vẻ đẹp trong sáng của làn nước mùa thu, nét thanh thoát của núi mùa xuân để làm nổi bật vẻ đẹp của đôi mắt Thúy Kiều – chiều sâu của tâm hồn. (0,5đ)
Câu 3 : Viết đoạn văn (3,5 điểm)
*Về hình thức (1 điểm):
Trình bày đúng đoạn văn diễn dịch hoặc tổng – phân - hợp, có liên kết mạch lạc: 0,25 điểm
Có đủ số câu theo yêu cầu, có đánh số thứ tự từ câu đầu đến câu cuối: 0,25 điểm.
Trong đoạn văn có sử dụng câu ghép: phân tích đúng ngữ pháp, hợp nội dung, có chú thích ở dưới mới được (0,5 điểm).
*Về nội dung (2,5 điểm): Phân tích vẻ đẹp – tài sắc của Thúy Kiều.
Đoạn văn cần đảm bảo những nội dung sau:
+Vẻ đẹp:
Vẻ đẹp lộng lẫy kiêu sa của bậc tuyệt thế giai nhân
Tính cách sắc sảo mặn mà
Dự báo số phận long đong, đau khổ của Thúy Kiều
+Tài năng:
Thông minh vốn sẵn tính trời
Thơ, ca, nhạc, họa đều giỏi
Sáng tác bản nhạc “Bạc mệnh” => người con gái thông minh, có cuộc sống nội tâm phong phú, nhưng cũng là một người đa sầu đa cảm.
⇒ Chân dung Thúy Kiều là chân dung mang tính cách, số phận. Vẻ đẹp của Kiều làm cho tạo hóa phải ghen ghét, dẫn đến nhiều người phải đố kị về vẻ đẹp đó, nên số phận của nàng mới gặp nhiều trái ngang đau khổ. Thúy Kiều là nhân vật khắc họa rõ nhất câu nói "Hồng nhan bạc mệnh".
Trên đây là tổng hợp 4 bộ đề thi giữa kì 1 văn 9 giúp cho các bạn học sinh có thể thêm nguồn tham khảo để luyện tập trước. Hy vọng, từ các bộ đề này sẽ phần nào luyện tập cho các bạn làm quen với các dạng bài, để có một tâm thế vững vàng và tự tin cho kì thi sắp tới. Chúc các bạn học sinh có một kì thi thật tốt!
Nhận xét
Đăng nhận xét